Chu trình Nitơ trong hồ thủy sinh
Thông tin chu trình nitơ hồ cá được trình bày dưới đây có thể khá dài dòng nhàm chán đối với hầu hết mọi người, nhưng điều hoàn toàn cần thiết là phải hiểu quy trình này nếu bạn muốn thành công trong việc nuôi các loại cá tép mắc tiền nhưng nhạy cảm dễ chết như tép sula, tép ong, các dòng guppy cao cấp hoặc muốn có hồ thủy sinh đẹp. Mình viết bài này mong muốn giúp các anh em mới chơi hiểu rõ thêm về chu trình Nitơ để có thể chăm sóc tốt các hồ cá, tép, thủy sinh của mình một cách hiệu quả.
1. **************** Tổng quan về chu trình Nitơ ****************
Nó thường được gọi là chu kỳ sinh học hay quá trình nitrat hóa, khi làm hồ mới anh em thường bảo là chạy circle. Tất cả đều đề cập đến cùng một chu kỳ -> Chu trình Nitơ.
Chu trình nitơ trong hồ thủy sinh / bể cá là một quá trình rất quan trọng để thiết lập các vi khuẩn có lợi trong bể cá và trong hệ thống lọc sẽ giúp chuyển đổi amoniac thành nitrit và sau đó chuyển đổi nitrit thành nitrat. Quá trình này thông thường có thể mất từ 2 tuần đến 2 tháng hoặc lâu hơn để hoàn thành, tùy cách khởi tạo.
Cách tốt nhất để theo dõi chu kỳ nitơ là mua một bộ thử nghiệm bể cá sẽ kiểm tra amoniac, nitrit, nitrat và ph. Trên thị trường hiện có các dòng sản phẩm của Sera, API, …
Kiểm tra nước hồ thường xuyên và ghi lại thông tin của các lần kiểm tra. Trước tiên, bạn sẽ thấy mức độ ammonia tăng lên. Một vài tuần hoặc lâu hơn sau đó bạn sẽ thấy mức độ nitrit tăng lên và mức độ amoniac giảm xuống. Cuối cùng, sau một vài tuần nữa, bạn sẽ thấy mức độ nitrat tăng lên và mức độ nitrit giảm xuống. Khi bạn không còn phát hiện amoniac hoặc nitrit nhưng bạn có thể phát hiện nitrat, bạn có thể đoán được hồ đã đủ an toàn để thả cá tép.
2. **************** Các giai đoạn của Chu kỳ Nitơ ****************
Amoniac (NH3) –Bacteria--> Nitrite (NO2) –Bacteria--> Nitrate (NO3) –Bacteria/Plant--> Nitơ (N2)
———- Giai đoạn 1 ———-
Amoniac được đưa vào bể cá thông qua chất thải của cá và thức ăn thừa. Chất thải cá và thực phẩm dư thừa sẽ được phân hủy thành ammonium bị ion hóa (NH4) hoặc amoniac không ion hóa (NH3). NH4 không gây hại cho cá tép nhiều nhưng NH3 là rất có hại, nếu ở hàm lượng cao sẽ làm cho cá tép sẽ bị stress và vi khuẩn gây bệnh tấn công, phát triển yếu và chết, nước hồ dơ và đục dễ dàng phát sinh các loại vi khuẩn gây hại. Việc nguyên liệu có chuyển thành NH4 hoặc NH3 hay không tùy thuộc vào mức độ ph của nước. Nếu ph dưới 7, bạn sẽ có Nh4. Nếu ph từ 7 trở lên bạn sẽ có NH3.
———- Giai đoạn 2 ———-
Ngay sau đó, vi khuẩn được gọi là nitrosomonas sẽ phát triển và chúng sẽ oxy hóa amoniac trong bể, về cơ bản sẽ loại bỏ nó. Các sản phẩm phụ của quá trình oxy hóa amoniac là Nitrites (NO2). Vì vậy, sẽ giảm lượng amoniac trong bể, nhưng bây giờ chúng ta có một độc tố khác để đối phó là Nitrites. Nitrit cũng còn độc hại đối với cá tép không thua amoniac (NH3). Nếu bạn có một bộ kiểm tra, bạn sẽ có thể thấy mức độ nitrit tăng lên vào cuối tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai.
———- Giai đoạn 3 ———–
Vi khuẩn được gọi là nitrobacter sẽ phát triển và chúng sẽ chuyển đổi các nitrit thành nitrat. Nitrat không gây hại cho cá tép như amoniac hoặc nitrit, nhưng nitrat vẫn có hại nếu tồn tại với số lượng lớn trong hồ, đặt biệt đối với các hồ nuôi tép như tép ong, tép sula thì rất đáng lo ngại. Cách nhanh nhất để giảm bớt nitrat là thực hiện việc thay một phần nước. Một khi hồ của bạn đang trong giai đoạn thiết lập, bạn sẽ cần phải theo dõi nước hồ cho mức độ nitrat cao và thực hiện thay đổi một phần nước khi cần thiết.
Có những phương pháp khác để kiểm soát nitrat trong bể cá bên cạnh thay nước. Như việc trồng các loại cây thủy sinh sẽ sử dụng nitrat như nguồn dinh dưỡng. Hoặc ở các khu vực ít oxi, nơi vi khuẩn khử nitơ phát triển như lớp nền có thể phân hủy nitrat thành khí nitơ vô hại thoát ra qua mặt nước hồ.
3. **************** Tổng kết ****************
Như vậy xuyên suốt trong 3 quá trình nêu trên chúng ta có thể thấy vai trò của vi sinh là rất quan trọng để giữ cho hồ sạch và khỏe mạnh, để thiết lập hệ vi sinh tốt chúng ta cần khởi tạo hồ lúc đầu đúng cách, bạn có thể lấy bông lọc / vật liệu lọc của các hồ đang ổn định cho vào hồ mới để xây dựng hệ vi sinh và cần sử dụng hệ thống lọc có chứa các vật liệu lọc có nhiều không gian cho vi sinh phát triển càng nhiều càng tốt, chúng ta thường thấy các vật liệu lọc giá cao như Matrix (Seachem), Subtract Pro (Đức), sứ lọc thường có nhiều lỗ rỗng với mục đích duy nhất là có nhiều không gian cho vi sinh tập trung phát triển, khi nước được đẩy vào hệ thống lọc, vi sinh sẽ tiêu thụ các chất thải làm sạch nguồn nước.
Và cuối cùng việc bổ sung lợi khuẩn ngay từ ban đầu là một điều rất cần thiết, khi lợi khuẩn phát triển ổn định sẽ giúp phần đẩy nhanh quá trình chuyển hóa NH3 -> NO2 -> NO3 -> N2 tạo một môi trường trong sạch cho cá tép phát triển khỏe mạnh, thiết lập hệ biofilm cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tép, và đặc biệt giảm được các loại vi khuẩn nấm gây bệnh phát triển trong hồ.